Công việc tự do không phải lúc nào cũng mang lại nguồn tài chính ổn định, tình trạng “no dồn đói góp” vẫn thường xảy ra khi có lúc việc nhiều không đếm xuể, lúc lại đìu hiu. Phụ thuộc vào số lượng đầu việc tìm được, người làm nghề tự do cần chủ động tính toán các nguồn lực tài chính phù hợp với hoàn cảnh bản thân.  

Quản lý tài chính cá nhân là gì?

Quản lý tài chính cá nhân là quá trình lập kế hoạch, tổ chức và kiểm soát cách bạn sử dụng các nguồn lực tài chính của mình để đảm bảo đạt được các mục tiêu tài chính cá nhân trong ngắn hạn và dài hạn. Quá trình này bao gồm việc theo dõi thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và bảo vệ tài sản một cách thông minh và hiệu quả.

Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả không chỉ giúp bạn an tâm hơn trước các biến động thu nhập, mà còn giúp xây dựng một nền tảng tài chính ổn định cho tương lai. Khi bạn làm chủ được tài chính của mình, bạn có thể dễ dàng đạt được sự tự do tài chính – điều mà mọi người kinh doanh đều mơ ước. MoMo sẽ gợi ý cho bạn một vài công thức tự do tài chính phù hợp với nghề kinh doanh tự do để kiểm soát dòng tiền một cách hiệu quả hơn!

Cách quản lý tài chính cá nhân cho người làm kinh doanh tự do

2.1 Phân loại thu nhập và chi phí

Trước khi bắt đầu, hãy cùng MoMo xem xét cách bạn phân loại thu nhập và chi phí nhé! Điều này sẽ giúp bạn có tầm nhìn bao quát về tình hình tài chính của mình.

Phân loại thu nhập:

  • Thu nhập chính: là khoản thu bạn nhận được từ công việc kinh doanh tự do của mình, có thể là từ hợp đồng freelance (làm thêm), bán sản phẩm hay việc làm tiếp thị liên kết. 
  • Thu nhập phụ: đây là các khoản bạn kiếm thêm ngoài công việc chính, chẳng hạn như từ đầu tư hoặc cho thuê tài sản.

Phân loại chi phí:

  • Chi phí cố định: đây là những khoản mà bạn phải chi đều đặn hàng tháng, như tiền thuê nhà, điện, nước, hoặc các chi phí sinh hoạt gia đình.
  • Chi phí biến đổi: những chi phí không cố định, có thể thay đổi theo nhu cầu kinh doanh như chi phí marketing, nguyên vật liệu, hoặc chi phí đi lại.

Ví dụ: Bạn là một nhân viên tự do trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và có thu nhập không đều mỗi tháng, nên việc phân loại rõ chi phí đi du lịch (giải trí), mua phần mềm thiết kế video mới (đầu tư) và tiền thuê nhà hàng tháng (thuê nhà) là vô cùng quan trọng để kiểm soát tài chính.

Hãy phân loại các khoản phí để kiểm soát tài chính cá nhân sít sao nhất.

2.2 Lập quỹ dự phòng

Bạn cũng nên có một quỹ khẩn cấp đủ để trang trải ít nhất 6-12 tháng chi phí sinh hoạt. Điều này giúp bạn an tâm hơn khi không có dự án hoặc đơn hàng nào. Quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn trong những lúc bất ngờ mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Ví dụ: Một chủ shop online có thể dành ra 10% thu nhập hàng tháng để đóng góp vào quỹ khẩn cấp, từ đó có thể duy trì hoạt động kinh doanh mà không bị gián đoạn khi gặp khó khăn tài chính.

2.3 Phân bổ thu nhập theo quy tắc 50/30/20

Quy tắc 50/30/20 sẽ giúp bạn dễ dàng phân chia thu nhập cho các nhu cầu khác nhau:

  • 50% cho nhu cầu thiết yếu: các khoản chi như nhà cửa, thực phẩm, bảo hiểm, và chi phí sinh hoạt hằng ngày.
  • 30% cho chi tiêu cá nhân: dành cho các hoạt động giải trí, mua sắm, hoặc ăn uống ngoài.
  • 20% cho tiết kiệm và đầu tư: đây là phần bạn để dành cho tương lai, từ tiết kiệm đến đầu tư sinh lời.

Ví dụ: Trong một tháng khấm khá, bạn tìm được nhiều đầu việc, nên thu nhập của tháng đó đến 20 triệu đồng. Khi áp dụng quy tắc 50/30/20, bạn sẽ chia khoản tiền như sau: dành 10 triệu cho các chi phí thiết yếu, 6 triệu cho chi tiêu cá nhân, và 4 triệu để tiết kiệm hoặc đầu tư.

2.4 Lập kế hoạch tiết kiệm và đầu tư

Tiết kiệm và đầu tư là một kỹ năng quản lý tài chính cá nhân để bạn bảo đảm an toàn tài chính trong dài hạn. Bạn nên bắt đầu bằng cách lập kế hoạch tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn và dài hạn. Nếu bạn chưa quen với việc đầu tư, hãy tìm hiểu về các quỹ mở hoặc các sản phẩm đầu tư an toàn.

Ví dụ: Bạn có thể dành ra 3 triệu đồng mỗi tháng để đầu tư vào quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục, đây là hình thức đầu tư thụ động và mang tính hiệu quả về chi phí), giúp đảm bảo dòng tiền sinh lời ổn định mà không cần quá nhiều kiến thức chuyên sâu về đầu tư.

2.5 Kiểm soát dòng tiền hiệu quả

Một trong những cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả là theo dõi thu nhập và chi phí. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu hoặc đơn giản là ghi chép lại hàng ngày. Điều này giúp bạn biết chính xác tiền của mình đang được sử dụng như thế nào và có thể điều chỉnh nếu cần thiết.

Lời khuyên: Hãy ghi chép lại tất cả các khoản chi, dù là nhỏ nhất, để đảm bảo bạn luôn kiểm soát được dòng tiền.

Ví dụ: Một thợ chụp ảnh tự do có thể dùng các ứng dụng tài chính để theo dõi chi phí mua sắm thiết bị như máy ảnh, ống kính, và số tiền thu được từ các dự án chụp ảnh. Từ đó tính toán các khoản thu chi để vừa phát triển nghề nghiệp vừa điều phối nguồn phí thích hợp. 

2.6 Bảo hiểm và quỹ hưu trí

Đối với người kinh doanh tự do, không có bảo hiểm và quỹ hưu trí từ công ty, nên bạn cần tự bảo vệ mình. MoMo khuyên bạn nên dành thời gian xem xét và mua các gói bảo hiểm phù hợp như bảo hiểm sức khỏe, nhân thọ và đóng góp vào quỹ hưu trí.

Ví dụ: Một blogger du lịch có thể tự mua bảo hiểm sức khỏe để bảo đảm an toàn khi đi lại nhiều, đồng thời đóng góp vào quỹ hưu trí tư nhân để bảo đảm một tương lai tài chính ổn định.

Bí quyết quản lý tài chính cá nhân tốt hơn cho người làm việc tự do

3.1 Liệt kê rõ ràng các mục tiêu tài chính 

Hãy liệt kê rõ ràng các khoản mục tiêu cụ thể, bạn có thể thấy rõ ràng đồng tiền của mình sẽ được dùng vào việc gì.

  • Mục tiêu ngắn hạn như tiết kiệm để đi du lịch
  • Mục tiêu lâu dài như: trả nợ, nghỉ hưu sớm hoặc mua nhà
  • Mục tiêu ngắn hạn: hạn chế sử dụng thẻ tín dụng

Cẩn thận liệt kê đầy đủ các mục tiêu tài chính ngắn và dài hạn rõ ràng để dễ theo dõi.

3.2 Không nên có nợ xấu

Những khoản nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính cá nhân trong tương lai của bạn. Một vài cách giúp bạn chi trả các khoản nợ nhanh chóng như:

  • Thanh lý đồ không dùng nữa để có thêm tiền.
  • Tìm một công việc tự do có “mối” lâu dài (có nghĩa là công việc này sẽ luôn tồn tại ví dụ như viết bài theo số lượng, bán hàng theo cam kết…).
  • Hy sinh một khoản trong ngân sách để tạm thời cắt giảm nợ trước mắt.

Sử dụng công cụ quản lý tài chính cá nhân hữu hiệu

Có rất nhiều công cụ quản lý tài chính hữu hiệu khác excel mà bạn có thể áp dụng ngay:

  • Hãy sử dụng một cuốn sổ ghi chép. Đây là phương pháp thủ công nhưng rất hiệu quả.
  • Áp dụng phương pháp Kakeibo của người Nhật (Phương pháp này bao gồm 4 câu hỏi quan trọng: Bạn hiện tại có bao nhiêu tiền? Bạn đang muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền? Bạn sẽ chi bao nhiêu tiền cho việc ABC? Bạn sẽ cải thiện chi tiêu bằng cách nào?)
  • Lựa chọn một ứng dụng quản lý tài chính đáng tin cậy được đánh giá cao trên app store hoặc CH Play.

Kết luận

MoMo hiểu rằng quản lý tài chính không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với người kinh doanh tự do. Tuy nhiên, chỉ cần bạn bắt đầu từ những bước cơ bản như phân loại chi phí, lập quỹ khẩn cấp, tuân thủ quy tắc 50/30/20, và theo dõi dòng tiền, bạn đã tiến gần hơn đến sự ổn định tài chính rồi.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được xem là lời khuyên tài chính, đầu tư, hoặc pháp lý chính thức. MoMo không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. MoMo khuyến khích bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính hoặc chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan đến tài chính cá nhân.